I. Địa vị pháp lý của Trường Cao đẳng nghề Yên Bái
1. Trường Cao đẳng nghề Yên Bái là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được thành lập theo Quyết định số 670/QĐ-LĐTBXH ngày 27/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoạt động theo quy định của Điều lệ này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Trường Cao đẳng nghề Yên Bái (sau đây gọi tắt là Trường) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện chức năng đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp; đào tạo liên thông giữa các trình độ và dạy văn hóa; đồng thời bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân, nhân viên kỹ thuật; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tổ chức liên doanh, liên kết, hợp tác quốc tế trong đào tạo; kết hợp đào tạo với sản xuất, kinh doanh dịch vụ,…
3. Trường có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng hoạt động theo quy định của pháp luật.
II. Quản lý nhà nước đối với Trường
1. Trường Cao đẳng nghề Yên Bái chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chịu sự chỉ đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về tổ chức và hoạt động.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với Trường.
III. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trường
1. Tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo quy định nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn.
2. Tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, phê duyệt và thực hiện các chương trình, giáo trình đào tạo đối với ngành nghề được phép đào tạo.
3. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh đào tạo.
4. Tổ chức các hoạt động đào tạo; kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ sơ cấp theo quy định.
5. Dạy văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông cho nguồn nhân lực lao động, học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở.
6. Tuyển dụng, quản lý đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của trường đủ về số lượng; phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật.
7. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
8. Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động tài chính.
9. Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính của trường theo quy định của pháp luật.
10. Quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc trường theo cơ cấu tổ chức đã được phê duyệt trong Điều lệ này; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ từ cấp trưởng phòng, khoa và tương đương trở xuống.
11. Phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động đào tạo về lập kế hoạch đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức giảng dạy, hướng dẫn thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học. Liên doanh, liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động.
12. Sử dụng nguồn thu từ hoạt động hợp tác đào tạo, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của trường, chi cho các hoạt động đào tạo và bổ sung nguồn tài chính của trường.
13. Được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất; được hỗ trợ ngân sách khi thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao theo đơn đặt hàng; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
IV. Cơ cấu tổ chức
1. Hội đồng trường.
2. Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng.
3. Các Hội đồng tư vấn.
4. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, gồm:
a) Phòng Hành chính - Tổ chức;
b) Phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học;
c) Phòng Công tác học sinh, sinh viên;
d) Phòng Tài chính - Kế toán;
đ) Phòng Kiểm định chất lượng dạy nghề và Quản lý cơ sở vật chất.
5. Các khoa, gồm:
a) Khoa Điện tử - Công nghệ thông tin;
b) Khoa Điện;
c) Khoa Sư phạm Dạy nghề và Kinh tế;
d) Khoa Công nghệ ô tô;
đ) Khoa Kỹ thuật tổng hợp;
e) Khoa Nông nghiệp;
g) Khoa Quản lý đất đai - Lâm nghiệp;
h) Khoa Dân tộc nội trú;
i) Khoa Khoa học cơ bản.
6. Các đơn vị trực thuộc khác:
a) Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe ô tô;
b) Trại Thực hành - Thực tập;
c) Các đơn vị sản xuất, dịch vụ phục vụ đào tạo (nếu có).
7. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức xã hội.